Gần đây có nhiều bài báo phản ánh về những bất cập của Sở lao động Thương binh và Xã Hội TPHCM trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, Công ty dịch thuật Phú Ngọc Việt sẽ lần lượt cập nhật thông tin và đăng lên website để quý khách có cái nhìn tổng quan, xúc tích.
(TBKTSG) – Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 102 (về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài) đi ngược lại chủ trương cải cách thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trường Xuân
Văn bản số 6107 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM hướng dẫn việc cấp phép lao động cho người nước ngoài theo Nghị định 102 đang gây khó cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Trong ảnh: Chuyên gia nước ngoài tại một dự án xâydựng ở TPHCM. Ảnh: KINH LUÂN |
Quy định mới phiền hà…
Ngày 16-5-2014, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã ban hành văn bản (số 6107) hướng dẫn Nghị định 102 (2013) về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp.
Theo đó, các giấy phép lao động đã được cấp theo quy định của Nghị định 34 (năm 2008) và Nghị định 46 (năm 2011) của Chính phủ còn hiệu lực tính đến ngày 1-11-2013 thì không phải đổi giấy phép lao động mới và có hiệu lực cho đến khi hết hiệu lực được ghi nhận trên giấy phép.
Đối với các giấy phép lao động đã được cấp theo quy định của hai nghị định nói trên nhưng đã hết hạn (thời gian giấy phép lao động có hiệu lực tối đa là hai năm) thì, khi hết hạn, doanh nghiệp phải đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cấp giấy phép lao động theo trình tự thủ tục cấp mới (Nghị định 102), chứ không được gia hạn như trước nữa.
Cụ thể, lao động nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn, để được tiếp tục làm việc tại Việt Nam, phải cung cấp các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận trình độ, kinh nghiệm của người nước ngoài; lý lịch tư pháp của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho thời gian người lao động ở nước ngoài; lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho thời gian đã lưu trú ở Việt Nam; giấy khám sức khỏe…
Với hướng dẫn này, hàng loạt doanh nghiệp, hàng ngàn người lao động nước ngoài đang đứng trước nguy cơ phải làm lại toàn bộ hồ sơ để được tiếp tục lao động tại Việt Nam khi giấy phép lao động đã được cấp trước ngày 1-11-2013 hết hạn.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài, những yêu cầu nói trên gây không ít khó khăn cho họ, và cả lao động người nước ngoài – đã được cấp giấy phép lao động và đang làm việc ổn định tại Việt Nam.
Đơn cử về yêu cầu phải cung cấp lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, khi nộp hồ sơ theo hình thức cấp mới, người nước ngoài phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước họ để được cấp lại vì theo quy định khi nộp hồ sơ, lý lịch tư pháp phải không được quá sáu tháng kể từ ngày cấp. Đối với một số quốc gia, người nước ngoài bị buộc phải quay lại quốc gia nơi họ đã cư trú thì mới được cấp. Điều này chưa kể đến việc lý lịch tư pháp sau khi cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, đôi khi phải quay về nước ngoài để làm.
Khác với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, Bình Dương… vẫn gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài bình thường khi hết hạn. |
Tương tự, người nước ngoài cũng được yêu cầu cung cấp lại chứng nhận kinh nghiệm, bằng cấp được hợp pháp hóa lãnh sự vốn đã nộp trong lần đề nghị cấp giấy phép lao động trước đây và cả lý lịch tư pháp cho thời gian cư trú tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Vô nghĩa về mặt quản lý
Trên thực tế, xét về mặt quản lý, những yêu cầu này tỏ ra không có bất kỳ giá trị thực tiễn hay quản lý nào.
Bởi lẽ, với lý lịch tư pháp, người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động trước thời điểm 1-11-2013 nay vẫn tiếp tục làm việc thì trong suốt thời gian này, họ cư trú chủ yếu ở Việt Nam. Do vậy lý lịch tư pháp của người nước ngoài cũng sẽ có kết quả tương tự như lý lịch tư pháp mà người nước ngoài đã nộp cho sở trong lần đề nghị cấp giấy phép lao động trước.
Đó là chưa kể một số quốc gia lại ghi rõ là lý lịch tư pháp này chỉ có giá trị cho thời gian trước khi họ rời khỏi quốc gia (và dĩ nhiên thời gian ở Việt Nam thì người nước ngoài không thể đồng thời hiện diện ở nước khác). Như vậy, đối với các đối tượng này, việc yêu cầu nộp lại lý lịch tư pháp mới chỉ có thể giải thích như việc gây rắc rối thêm cho doanh nghiệp, người lao động mà không có ý nghĩa gì về mặt quản lý.
Với lý lịch tư pháp của Việt Nam, yêu cầu cung cấp được thể hiện như dấu hiệu của sự kém cỏi trong công tác quản lý người nước ngoài. Trong khi người lao động có giấy phép lao động đang làm việc tại Việt Nam, nếu bị truy tố và xét xử thì về nguyên tắc sau khi bị kết án, thông tin về việc kết án sẽ được chuyển cho cơ quan quản lý đối tượng (trong trường hợp này là sở lao động – thương binh và xã hội) để theo dõi.
Những trường hợp không có thông tin thì xem như lao động nước ngoài không bị kết án. Tuy nhiên, với hướng dẫn của sở, mọi trường hợp người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động trước ngày 1-11-2013 nay hết hạn phải cung cấp lý lịch tư pháp tại Việt Nam cho thời gian họ cư trú tại Việt Nam để làm việc theo giấy phép lao động đã được cấp. Như vậy, yêu cầu này vô nghĩa với lý do gần như 100% đề nghị xin lý lịch tư pháp tại sở tư pháp của các đối tượng này đều có kết quả không vi phạm.
Trong khi với cơ quan quản lý lao động, yêu cầu này chỉ mang ý nghĩa thủ tục mà không có giá trị quản lý, thì đối với doanh nghiệp yêu cầu này thật là vô lý, bởi lẽ không doanh nghiệp nào không biết lao động nước ngoài của mình bị truy tố, xét xử và kết án trong thời gian làm việc cho doanh nghiệp mình để tiếp tục đề nghị xin giấy phép lao động. Đó là chưa kể thủ tục đề nghị cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam tại sở tư pháp kéo dài hàng tháng trời, chưa kể trễ hạn mà chưa có kết quả.
Và, trong thời gian này, người nước ngoài không được làm việc vì không có giấy phép lao động.
Về bằng cấp và kinh nghiệm làm việc, đồng ý Nghị định 102 có quy định mới so với trước đây, tuy nhiên việc yêu cầu cung cấp lại hoàn toàn máy móc. Đáng lý ra, sở lao động – thương binh và xã hội chỉ cần tra cứu lại thông tin quản lý lao động nước ngoài đã được mình cấp phép với trình độ đã thẩm định trước đây so với quy định hiện tại nếu phù hợp thì tiếp tục cấp, nếu không phù hợp thì mới yêu cầu bổ sung. Nay với việc yêu cầu cung cấp lại toàn bộ thì thật sự chưa phù hợp với tinh thần cải cách hành chính.