Home Văn bản pháp luật Nghị định số 21/2001/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh

Nghị định số 21/2001/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh

Công ty dịch thuật Phú Ngọc Việt xin giới thiệu Nghị định sau đây, chi phối sự xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định số 21/2001/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của ngưởi nước ngoài tại Việt Nam do Chính Phủ ban hành

CHÍNH PHỦ
********
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********
Số: 21/2001/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2001
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 21/2001/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2001 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Nghị định này quy định thủ tục đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; việc mời người nước ngoài vào Việt Nam của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm và việc phối hợp công tác của các cơ quan chức năng của Nhà nước.
2. Nghị định này cũng áp dụng đối với người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Việc người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam được thực hiện theo quy định tại văn bản khác.
Điều 2.
Người nước ngoài được đi lại tự do trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với mục đích nhập cảnh đã đăng ký, trừ khu vực cấm người nước ngoài đi lại được quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
Chương 2:
NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH
Điều 3.
1. Thị thực được cấp vào hộ chiếu của người nước ngoài. Những trường hợp sau đây được cấp thị thực rời kèm theo hộ chiếu:
a) Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực mà chưa kịp đổi hộ chiếu mới;
b) Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao, lãnh sự với Việt Nam;
c) Vì lý do an ninh hoặc lý do ngoại giao.
2. Giá trị và thời hạn của thị thực:
a) Thị thực một lần hoặc nhiều lần có giá trị không quá 12 tháng được cấp cho người vào Việt Nam thực hiện các dự án theo giấy phép đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam; người vào làm việc tại các cơ quan nước ngoài đặt tại Việt Nam và thân nhân ruột thịt cùng đi;
b) Thị thực một lần hoặc nhiều lần có giá trị không quá 6 tháng được cấp cho người được cơ quan, tổ chức, cá nhân mời vào Việt Nam không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Thị thực một lần có giá trị 15 ngày được cấp cho người xin nhập cảnh không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời.
3. Khi thị thực hết hạn, nếu người mang thị thực có nhu cầu tiếp tục nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam thì phải làm thủ tục xin cấp thị thực mới.
Điều 4.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời người nước ngoài vào Việt Nam theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Pháp lệnh), gồm:
a) Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc;
b) Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan trực thuộc;
d) Cơ quan Trung ương của các tổ chức nhân dân, đoàn thể quần chúng;
đ) Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
e) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đặt tại Việt Nam;
g) Chi nhánh các công ty nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài đặt tại Việt Nam;
h) Cơ quan, tổ chức khác được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
i) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam;
k) Người nước ngoài thường trú và người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.
2. Việc mời người nước ngoài của các cơ quan, tổ chức phải phù hợp với chức năng của mình hoặc giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam, người nước ngoài thường trú và người nước ngoài tạm trú từ 6 tháng trở lên được mời người nước ngoài vào Việt Nam để thăm viếng.
Điều 5.
1. Cơ quan được giao chủ trì đón khách nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và khách mời cấp tương đương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản thông báo việc mời, đón khách nước ngoài tới Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thông báo cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho khách mời nói trên, đồng thời thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an biết.
Đối với người nước ngoài vào làm việc tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế liên chính phủ đặt tại Việt Nam và thân nhân, người giúp việc cùng đi, thì các cơ quan trên gửi văn bản thông báo việc mời, đón khách nước ngoài tới Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trước khi thông báo cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, nếu phát hiện người nước ngoài thuộc trường hợp chưa được nhập cảnh thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao biết.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam không thuộc khoản 1 Điều này gửi văn bản thông báo hoặc đề nghị tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thông báo cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho người nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản. Nếu phát hiện người nước ngoài thuộc trường hợp chưa được nhập cảnh thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài biết.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh thì gửi văn bản đề nghị tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Những trường hợp xin cấp thị thực tại cửa khẩu vì lý do khẩn cấp thì văn bản đề nghị phải được gửi chậm nhất 12 giờ trước khi người nước ngoài đến cửa khẩu.
Điều 6.
1. Trong những trường hợp sau đây, việc mời người nước ngoài vào Việt Nam của cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng của Chính phủ:
a) Vào hoạt động tôn giáo phải được sự đồng ý của Ban Tôn giáo của Chính phủ; vào hoạt động liên quan đến vấn đề dân tộc phải được sự đồng ý của ủy ban Dân tộc và Miền núi;
b) Vào hoạt động thông tin, báo chí phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá – Thông tin.
2. Khi gửi văn bản đề nghị tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cơ quan, tổ chức phải gửi kèm theo ý kiến đồng ý của cơ quan chức năng nêu tại các điểm a, b khoản 1 Điều này.
Điều 7.
1. Sau khi nhận được văn bản trả lời của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài đến nộp đơn, ảnh và nhận thị thực tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; đối với người nước ngoài được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời thông báo cho người nước ngoài nộp đơn, ảnh và nhận thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở cửa khẩu.
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài căn cứ thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cấp thị thực cho người nước ngoài ngay khi nhận được đơn xin thị thực và ảnh.
2. Người nước ngoài xin thị thực để nhập cảnh Việt Nam nếu không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời, đón thì nộp đơn xin thị thực và ảnh tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài và được cơ quan này xem xét, cấp thị thực có giá trị 15 ngày.
Việc xem xét, cấp thị thực được thực hiện trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đơn và ảnh.
Điều 8.
1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài từ chối cấp thị thực đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 8 của Pháp lệnh.
Đối với những trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 của Pháp lệnh thì cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài từ chối cấp thị thực theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
2. Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an không cho nhập cảnh đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 8 của Pháp lệnh.
3. Trường hợp không cho nhập cảnh vì lý do phòng, chống dịch bệnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Pháp lệnh thì cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thực hiện theo thông báo của Bộ Y tế.
Điều 9.
1. Toà án, cơ quan thi hành án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên quyết định cho xuất cảnh đối với trường hợp nêu tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Pháp lệnh nếu có bảo lãnh bằng tiền, tài sản hoặc có biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế, lao động.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cho xuất cảnh đối với trường hợp nêu tại điểm d khoản 1 Điều 9 của Pháp lệnh nếu có bảo lãnh bằng tiền, tài sản hoặc có biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.
Điều 10. Người nước ngoài quá cảnh có nhu cầu kết hợp vào Việt Nam tham quan, du lịch được Cục Quản lý xuất nhập cảnh giải quyết theo Quy chế của Bộ Công an. Bộ Công an quy định phạm vi khu vực quá cảnh và hình thức giấy tờ cấp cho người nước ngoài quá cảnh được vào Việt Nam tham quan, du lịch.
Chương 3:
CƯ TRÚ
Điều 11.
1. Người nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước thì thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời để đăng ký mục đích, thời hạn và địa chỉ cư trú tại Việt Nam với Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tại văn bản đề nghị khi làm thủ tục theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.
2. Người nước ngoài không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời thì đăng ký mục đích, thời hạn và địa chỉ cư trú tại Việt Nam tại đơn xin cấp thị thực.
3. Người nước ngoài được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì mục đích và thời hạn cư trú tại Việt Nam phải phù hợp theo điều ước quốc tế đó. Những người thuộc diện này thực hiện việc đăng ký địa chỉ cư trú khi làm thủ tục khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.
Điều 12.
1. Người nước ngoài không được cư trú ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác).
Người nước ngoài có nhu cầu vào khu vực biên giới phải làm thủ tục xin phép tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực đó.
2. Người nước ngoài không được vào khu vực có cắm biển cấm đi lại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Người nước ngoài có nhu cầu vào khu vực có cắm biển cấm đi lại phải làm thủ tục xin phép tại cơ quan trực tiếp quản lý khu vực đó.
Điều 13.
1. Người nước ngoài xin thường trú thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Hồ sơ gồm:
a) Ảnh và đơn xin thường trú theo mẫu do Bộ Công an quy định;
b) Bản tự khai lý lịch;
c) Bản chụp hộ chiếu (nếu có).
Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xin thường trú của người nước ngoài nêu tại khoản này.
2. Người nước ngoài xin thường trú thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồ sơ gồm:
a) Ảnh và đơn xin thường trú theo mẫu do Bộ Công an quy định;
b) Lý lịch tư pháp có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân;
c) Công hàm của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó được thường trú tại Việt Nam;
d) Giấy tờ chứng minh người xin thường trú thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh;
đ) Bản chụp hộ chiếu.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc xin thường trú của người nước ngoài nêu tại khoản này.
3Đối với người nước ngoài được chấp thuận cho thường trú thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp Thẻ thường trú; trường hợp không được chấp thuận cho thường trú thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thông báo bằng văn bản cho người xin thường trú biết.
4. Định kỳ 3 năm 1 lần, người nước ngoài thường trú phải trình diện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi trình diện phải xuất trình Thẻ thường trú và nộp ảnh để được đổi thẻ mới. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ thực hiện ngay việc cấp đổi thẻ mới, miễn phí.
Điều 14.
1. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nước ngoài nhập cảnh như sau:
a) Đối với người mang thị thực thì cấp chứng nhận tạm trú phù hợp với thời hạn giá trị của thị thực;
b) Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định tại điều ước quốc tế đó;
c) Đối với quan chức, viên chức Ban Thư ký ASEAN thì cấp chứng nhận tạm trú thời hạn 30 ngày.
2. Người mang Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì không được cấp chứng nhận tạm trú.
Điều 15.
1. Người nước ngoài nghỉ qua đêm tại khách sạn, khu nhà ở dành riêng cho người nước ngoài (kể cả khu nhà ở của ngoại giao đoàn) phải khai báo tạm trú thông qua chủ khách sạn hoặc người quản lý khu nhà ở. Chủ khách sạn, người quản lý khu nhà ở có trách nhiệm chuyển nội dung khai báo tạm trú của người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Người nước ngoài nghỉ qua đêm tại nhà riêng công dân phải trực tiếp hoặc thông qua chủ nhà khai báo tạm trú với Công an phường, xã nơi tạm trú. Công an phường, xã có trách nhiệm chuyển nội dung khai báo tạm trú của người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 16.
1. Việc cấp Thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực cho người nước ngoài:
a) Đối với người nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và khách mời cấp tương đương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự vào làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đặt tại Việt Nam và thân nhân, người giúp việc cùng đi thì cơ quan nơi người đó làm việc có văn bản đề nghị gửi Bộ Ngoại giao. Trường hợp xin cấp Thẻ tạm trú phải nộp kèm theo ảnh.
b) Đối với người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam có văn bản đề nghị gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp xin cấp Thẻ tạm trú phải nộp kèm theo ảnh.
2. Người nước ngoài xin chuyển đổi mục đích tạm trú phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam làm thủ tục đề nghị với Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cho người nước ngoài được chuyển đổi mục đích tạm trú có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này. Đối với người được phép chuyển đổi mục đích tạm trú, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp thị thực mới phù hợp với mục đích chuyển đổi.
Người nước ngoài xin chuyển đổi mục đích tạm trú để làm việc chính thức tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế liên chính phủ đặt tại Việt Nam làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao.
3. Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thuộc trường hợp được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nếu cần tạm trú quá thời hạn quy định tại điều ước quốc tế đó thì phải làm thủ tục xin cấp thị thực theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà thời hạn tạm trú phải kéo dài thêm thì được cơ quan có thẩm quyền gia hạn tạm trú với thời hạn phù hợp và được miễn làm thủ tục xin cấp thị thực.
Chương 4:
TRỤC XUẤT
Điều 17.
Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền ra quyết định trục xuất người nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
1. Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính;
2. Phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;
3. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Điều 18.
Căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của việc thi hành quyết định trục xuất của Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an quyết định:
1. áp dụng biện pháp quản lý, giám sát hoặc tạm giữ hành chính người bị trục xuất trong thời gian chờ thi hành quyết định trục xuất theo quy định của pháp luật;
2. Cách thức và địa điểm thực hiện việc trục xuất;
3. Các vấn đề khác có liên quan đến việc thi hành quyết định trục xuất theo quy định của pháp luật.
Điều 19.
Thủ trưởng cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an được phép tạm hoãn thực hiện trục xuất người nước ngoài trong phạm vi không quá 24 giờ theo thời hạn quy định tại quyết định trục xuất của Bộ trưởng Bộ Công an, trong những trường hợp sau:
1. Có quyết định của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án từ cấp tỉnh trở lên về việc chưa cho người bị trục xuất xuất cảnh;
2. Người bị trục xuất đang trong tình trạng sức khoẻ nguy kịch, không thể xuất cảnh được;
3. Vì lý do thời tiết, lý do thiên tai hoặc lý do bất khả kháng khác, không thể thực hiện trục xuất.
Nếu việc tạm hoãn trục xuất quá 24 giờ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Điều 20. Người bị trục xuất có trách nhiệm
1. Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định trục xuất; chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an trong thời gian chờ thi hành quyết định trục xuất;
2. Nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi Việt Nam đúng thời hạn;
3. Tự chịu chi phí cho việc xuất cảnh.
Điều 21. Việc trục xuất người nước ngoài theo bản án của Toà án được thực hiện theo các quy định khác của pháp luật về thi hành hình phạt trục xuất.
Chương 5:
TRÁCH NHIỆM, VIỆC PHỐI HỢP CÔNG TÁC CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN MỜI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Điều 22. Bộ Công an có trách nhiệm
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Chính phủ các dự án Luật, Pháp lệnh, văn bản của Chính phủ về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
2. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
5. Thống kê nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
6. Thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ thị thực; cấp, gia hạn, sửa đổi, hủy bỏ chứng nhận tạm trú, Thẻ tạm trú, Thẻ thường trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam (trừ trường hợp do Bộ Ngoại giao thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 23 của Nghị định này);
7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao ban hành các mẫu đơn và giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; quản lý thống nhất các mẫu đơn và giấy tờ đó.
Điều 23. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm
1. Hướng dẫn các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế liên Chính phủ đặt tại Việt Nam các vấn đề liên quan đến thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các quy định liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm pháp luật của người nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế về miễn thị thực với các nước, tham gia các điều ước quốc tế khác liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài;
5. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
6. Thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ thị thực; cấp, gia hạn, sửa đổi, huỷ bỏ chứng nhận tạm trú, Thẻ tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và khách mời cấp tương đương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự vào làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đặt tại Việt Nam và thân nhân, người giúp việc cùng đi.
Điều 24. Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng) có trách nhiệm
1. Kiểm soát, kiểm chứng nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài tại các cửa khẩu quốc tế do Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) quản lý.
2. Thực hiện cấp thị thực, chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế do Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) quản lý theo uỷ quyền và hướng dẫn của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an.
Điều 25. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm
1. Hướng dẫn người nước ngoài xin nhập cảnh Việt Nam các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
2. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xử lý vi phạm pháp luật của người nước ngoài;
3. Thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
4. Cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các loại thị thực tại nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều 26.
1. ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành quy định về việc phối hợp công tác giữa cơ quan Công an với các cơ quan khác của Nhà nước của địa phương trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa phương mình.
2. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa phương.
Điều 27. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam có trách nhiệm
1. Bảo đảm mục đích nhập cảnh, gồm:
a) Đăng ký với cơ quan chức năng dự kiến nội dung, chương trình hoạt động của người được mời trước khi người đó nhập cảnh;
b) Quản lý hoạt động của người được mời, đảm bảo thực hiện đúng nội dung, chương trình đã đăng ký;
c) Làm các thủ tục liên quan đến hoạt động tại Việt Nam của người được mời theo quy định của pháp luật.
2. Cộng tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết sự cố phát sinh đối với người nước ngoài, gồm:
a) Tham gia xử lý và khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật, tai nạn hoặc những phức tạp khác phát sinh liên quan đến người được mời theo yêu cầu của cơ quan chức năng;
b) Thông báo kịp thời cho cơ quan công an về những hoạt động của người được mời liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
3. Bảo đảm tài chính, gồm:
a) Chi phí hoặc bảo lãnh tài chính trong trường hợp người được mời không có khả năng tài chính tại chỗ để thanh toán các chi phí theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Thanh toán với Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cước phí fax hoặc điện báo ra cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để cấp thị thực cho người nước ngoài.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28.
1. Nghị định này có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày ký và thay thế các quy định sau đây:
Nghị định số 04/CP ngày 18 tháng 01 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam;
Nghị định số 17/CP ngày 30 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về việc sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định số 04/CP ngày 18 tháng 01 năm 1993 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam;
Những quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam tại Quy chế quản lý các đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 01 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ; Nghị định số 24/CP ngày 24 tháng 3 năm 1995 của Chính phủ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; Nghị định số 76/CP ngày 06 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 24/CP ngày 24 tháng 3 năm 1995 về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.
2. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 29. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 30. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư hướng dẫn về lệ phí cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi các loại giấy tờ, chứng nhận cấp cho người nước ngoài quy định tại Nghị định này và hướng dẫn việc trích tỷ lệ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh để chi phí vào việc xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú trong trường hợp cần thiết.
Điều 31. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Phan Văn Khải
(Đã ký)

(Nguồn: http://xnc.congan.com.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *