TS) – Thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép và hạn chế số lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp (DN), quy định mới của Bộ LĐ-TB-XH đang gây khó khăn cho cả cơ quan được quyền cấp phép lẫn DN.
Đơn giản hay phức tạp hóa thủ tục?
Theo qui định trước đây, để đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lao động cho lao động (LĐ) là người nước ngoài Bộ LĐ-TB-XH đã giao thẩm quyền này cho Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố. Theo đó, ủy quyền cho Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) được phép trực tiếp ký hợp đồng với NLĐ nước ngoài.
Tuy nhiên, tại Nghị định 105/2003/ NĐ-CP và Thông tư số 04/2004/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 10/3/2004 hướng dẫn thực hiện nghị định này lại qui định: trường hợp DN có nhu cầu gia hạn giấy phép LĐ lần thứ hai thì phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều DN khi cầm hồ sơ xin gia hạn giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài lên Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thì bị chỉ định qua UBND TP vì chưa được ủy quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Thế nhưng, khi mang hồ sơ sang UBND TP thì lại bị chỉ ngược trở lại Sở LĐ-TB-XH TP. Tương tự, nhiều DN trong KCN, KCX Đồng Nai cho biết, theo thông lệ trước đây, BQL “quản lý một cửa” tại chỗ đối với DN, khi hợp đồng LĐ với người nước ngoài hết thời hạn, DN chỉ cần mang hồ sơ, hợp đồng ra BQL để đề nghị gia hạn tiếp. Vì vậy, mọi việc được giải quyết nhanh gọn, nhưng nay thì DN phải “chạy” đến các cơ quan chức năng khác, tốn nhiều thời gian, công sức.
Về việc cấp giấy phép, Thông tư 04 cũng quy định việc có ủy quyền cấp phép cho BQL nữa hay không là thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố. Từ quy định này, Sở LĐ-TB-XH một số tỉnh có KCN, KCX hoạt động, thắc mắc, trong bản giấy phép cũ có phần để BQL KCN, KCX ký xác nhận thẩm quyền nhưng mẫu mới ra lại không có phần này. Vì vậy, nếu Sở LĐ-TB-XH muốn ủy quyền cho BQL, thì BQL sẽ ký vào đâu?
Thay vì đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa một dấu, Nghị định và thông tư mới của Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề trên lại “vô tình” gây khó khăn cho DN và người LĐ.
LĐ nước ngoài: 3% có tương ứng với 50 người?
Nhu cầu tuyển dụng chuyên gia nước ngoài trong các DN hiện rất cao.
Nghị định và Thông tư trên không chỉ gây khó khăn trong việc gia hạn giấy phép LĐ, mà còn hạn chế mức sử dụng LĐ nước ngoài đối với các DN. Theo đó, DN chỉ có thể nhận LĐ nước ngoài với tỷ lệ dưới 3% so với số LĐ hiện có và nhiều nhất không quá 50 người. Trong trường hợp DN cần chuyên gia ở những vị trí mà lao động Việt Nam chưa thể đáp ứng, phải tuyển vượt số lượng qui định thì được nhận thêm tối đa 50% so với số LĐ nước ngoài được phép tuyển. Tuy nhiên, cũng phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đóng trụ sở.
Hiện nay, riêng TP.HCM đã cấp phép LĐ cho hơn 2.500 người nước ngoài. Cùng với việc mở rộng đầu tư, yêu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất hiện đại… nhu cầu tuyển dụng LĐ nước ngoài của các DN ngày càng tăng. Một số ngành nghề cụ thể như giày da, dầu khí, vi tính… cần nhiều chuyên gia kỹ thuật trực tiếp sản xuất chứ không chỉ làm quản lý, điều hành. Vì vậy, việc hạn chế mức LĐ nước ngoài đang khiến các DN có nhu cầu sử dụng nhiều chuyên viên kỹ thuật nước ngoài chưa biết xoay xở như thế nào trong khi năng lực của LĐ trong nước lại chưa thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Theo Giám đốc một công ty Đài Loan chuyên sản xuất vật liệu làm giày, hiện nay số LĐ nước ngoài làm việc tại công ty là 400 người, trên tổng số 57.000 LĐ. Nếu tính theo tỷ lệ cho phép là 3% LĐ nước ngoài thì công ty thực hiện đúng nhưng về số lượng không quá 50 người thì công ty lại sai. Hiện công ty đang bối rối trước quy định này vì yêu cầu công việc đòi hỏi khá nhiều chuyên gia nước ngoài để vận hành các loại máy móc hiện đại, nhưng với số lượng cho phép ít ỏi như thế thì đành chịu.
Được biết, Sở LĐ-TB-XH, BQL KCN, KCX tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét lại những quy định “vô tình” gây khó khăn này, hay ít nhất cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện cùng những biểu mẫu mới phù hợp để các cơ quan thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định.
-
Linh Anh