Home Tin tức Du lịch Đà Nẵng vượt khó trong thời khủng hoảng

Du lịch Đà Nẵng vượt khó trong thời khủng hoảng

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã đón gần 1.149.000 lượt khách, tăng 6.3%, tổng doanh thu đạt 1.222 tỷ đồng, tăng 20.2% với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể thấy, ngành du lịch thành phố trong những tháng năm đầu 2013 vẫn tiếp tục có những dấu hiệu khả quan bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế.

Du lịch Đà Nẵng vượt khó trong thời khủng hoảng

Khách đến bằng đường tàu biển tăng cao.

Riêng trong năm 2012, với tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập xã hội từ du lịch trong năm 2012 đã đạt 6000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế tàu biển – vốn được đánh giá là đối tượng khách sang với mức chi tiêu cao- đã tăng mạnh; ước đạt 55.000 lượt, tăng đến 91,16% so với năm 2011. Và chỉ trong những tháng đầu năm 2013, Đà Nẵng đã đón 48 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa với 44.000 khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.
Cơ sở hạ tầng là một trong những điểm sáng với sự phát triển nhanh, đồng bộ. Hệ thống giao thông được nâng cấp mạnh với hệ thống các cây cầu bắc qua sông Hàn khiến việc di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn giữa các điểm tham quan và tạo điều kiện cho du khách chiêm ngưỡng được những cung đường du lịch đẹp của thành phố. Sân bay quốc tế vừa được nâng cấp nằm ngay cạnh Trung tâm thành phố với 16 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng khiến du khách càng cảm thấy dễ tiếp cận với thành phố biển.

Du lịch Đà Nẵng vượt khó trong thời khủng hoảng

Khu du lịch đẳng cấp quốc tế Intercontinental.

Hàng loạt các dự án du lịch lớn với những thương hiệu khách sạn đẳng cấp, hàng đầu thế giới như Intercontinental, Hyatt, Pullman, Novotel, Mercure đã đến thành phố Đà Nẵng. Điều này đã tạo nên một diện mạo mới cho dải bờ biển đẹp của thành phố, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu lưu trú của du khách ở nhiều thị trường khác nhau. Theo TTG Asia – tờ báo du lịch hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương, các nhà điều hành tour của Anh nhận định, Đà Nẵng “đang nổi lên như một hiện tượng” và có khả năng “lấn át” Bali (Indonesia). Các hãng lữ hành Anh cho đây đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu các hợp đồng đặt phòng và tour tuyến tại Đà Nẵng cho dù điểm đến này chỉ mới được chú ý trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, các khu du lịch lớn như Bana Hills, Sơn Trà, Phước Nhơn…tiếp tục được nâng cấp đưa vào hoạt động với nhiều sản phẩm phong phú, thu hút ngày càng nhiều du khách đến vui chơi và nghỉ dưỡng. Các sự kiện văn hóa, du lịch cùng sự kiện Trình diễn pháo hoa quốc tế được “đóng mác” thương hiệu Đà Nẵng đã giúp tăng thêm giá trị các tour du lịch, tạo thêm nhiều trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Có sự phát triển đáng phấn khởi như trên, không thể không kể đến những nỗ lực của chính quyền và chính những người dân thành phố trong việc cùng xây dựng một đô thị xanh-sạch-đẹp, con người sống chan hòa, thân thiện, an ninh trật tự được giữ vững tạo sự an tâm cho mọi người. Công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường du lịch được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp nhất nạn chèo kéo, bu bám, chặt chém khách du lịch trên địa bàn thành phố. Và gần đây nhất, sự hình thành của Trung tâm Hỗ trợ du khách là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm đảm bảo môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn cho du khách trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế buộc phải có sự điều chỉnh, thay đổi để phát triển bền vững. Dù đã có nỗ lực nhưng thành phố vẫn chưa có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và đầu tư phát triển du lịch. Công tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương lân cận, mà cụ thể là Huế và Quảng Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bước đi cầm chừng, nhiều mục tiêu đặt ra nhưng đa phần tồn tại ở dạng ý tưởng. Thông điệp “Ba địa phương – một điểm đến” với mục tiêu cùng xây dựng một sản phẩm chung, một thương hiệu du lịch chung vẫn còn gặp quá nhiều trở ngại.

Thêm vào đó, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, mua sắm còn khá hạn chế, chưa “giữ chân” được du khách. Các hoạt động sự kiện vào những mùa thấp điểm vẫn chưa có để có thể thuyết phục du khách đến nơi đây, cùng trải nghiệm những cảm giác mới của một Đà Nẵng trong mùa yên ả. Các dịch vụ vui chơi giải trí thể thao biển chưa đa dạng, chưa xứng tầm với một điểm đến về du lịch biển. Công tác phân tích sâu thị hiếu và dự váo thị trường khách trọng điểm vẫn còn nhiều hạn chế. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch Đà Nẵng ra thị trường quốc tế còn khá dè dặt. Đặc biệt, Đà Nẵng còn thiếu các công ty lữ hành lớn để khai thác thu hút khách tại các thị trường quốc tế.

Với mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 phải đón được 3.000.000 lượt khách với tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 6.500 tỷ đồng, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, những kết quả khả quan trong thời kỳ khủng hoảng vẫn có thể được xem là những dấu hiệu tích cực để du lịch Đà Nẵng tự tin và tiếp tục xây dựng, củng cố hình ảnh của một điểm đến đang được ưa chuộng.

Theo đánh giá của trang Du lịch thuộc tờ New York Times tháng 3-2013, Đà Nẵng được xem là “một điểm đến đang nổi” với vẻ quyến rũ của cảnh sắc thiên nhiên cùng những nét ẩm thực độc đáo và cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng hoàn chỉnh.

PHÚC NGUYÊN

Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt Sưu tầm

Xem thêm Gia hạn visa Việt Nam, visa trễ hẹn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *