Gần đây có nhiều bài báo phản ánh về những bất cập của Sở lao động Thương binh và Xã Hội TPHCM trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, Công ty dịch thuật Phú Ngọc Việt sẽ lần lượt cập nhật thông tin và đăng lên website để quý khách có cái nhìn tổng quan, xúc tích.
(TBKTSG Online) – TPHCM sẽ không gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài khi hết hạn, theo thông báo của Sở Lao động thương binh và xã hội vừa gởi đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM vừa có thông báo số 6107 gởi đến các doanh nghiệp, hướng dẫn thi hành Nghị định 102 (2013) về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp.
Theo đó, các giấy phép lao động đã được cấp theo quy định của Nghị định 34 (2008) và Nghị định 46 (2011) của Chính phủ (trước ngày 1-11-2013 – ngày Nghị định 102 có hiệu lực) hết hạn thì doanh nghiệp phải đề nghị Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM cấp giấy phép lao động theo trình tự thủ tục cấp mới chứ không được gia hạn như trước nữa.
Cụ thể, lao động nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn, để được tiếp tục làm việc tại Việt Nam, phải cung cấp các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận trình độ, kinh nghiệm của người nước ngoài; lý lịch tư pháp của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho thời gian người lao động ở nước ngoài; lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho thời gian đã lưu trú ở Việt Nam; giấy khám sức khoẻ…
Với quy định mới này, hàng loạt doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động nước ngoài đang đứng trước nguy cơ phải làm lại toàn bộ hồ sơ để được tiếp tục lao động tại Việt Nam khi giấy phép lao động đã được cấp trước ngày 1-11-2013 hết hạn.
Điều đáng nói là, theo một chuyên viên của chính Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM, quy định mới này không những không có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước mà còn gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp và lao động nước ngoài đang làm việc ổn định tại TPHCM.
Đơn cử về yêu cầu phải cung cấp lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, khi nộp hồ sơ theo hình thức cấp mới, người nước ngoài phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước họ để được cấp lại vì theo quy định khi nộp hồ sơ, lý lịch tư pháp phải không được quá 6 tháng kể từ ngày cấp.
Hơn nữa, đối với một số quốc gia, người nước ngoài bị buộc phải quay lại quốc gia nơi họ đã cư trú thì mới được cấp. Điều này chưa kể đến việc lý lịch tư pháp sau khi cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự, đôi khi phải quay về nước ngoài để làm. Rất mất thời gian…
Trong khi đó, với lý lịch tư pháp, người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động trước thời điểm 1-11-2013 nay vẫn tiếp tục làm việc thì trong suốt thời gian này, họ cư trú chủ yếu ở Việt Nam. Do vậy lý lịch tư pháp của người nước ngoài cũng sẽ có kết quả tương tự như lý lịch tư pháp của nước ngoài mà người nước ngoài đã nộp cho Sở Lao động thương binh và xã hội cho lần đề nghị cấp giấy phép lao động trước.
Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho rằng quy định mới của Sở Lao động tương binh và xã hội TPHCM hướng dẫn Nghị định 102 nhưng lại không thể hiện đúng tinh thần của nghị định. Bởi điều 19.3 nghị định này quy định: “Đối với giấy phép lao động đang còn hiệu lực tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải đổi giấy phép lao động mới”.
Thực tế, khác với Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM, Sở Lao động thương binh và xã hội Đồng Nai, Bình Dương… vẫn gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài bình thường khi hết hạn.
(Đón đọc bài chi tiết về đề tài này, bài “Một văn bản gây khó cho doanh nghiệp” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 29-5)