Home Tin tức Triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy tờ xuất nhập cảnh

Triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy tờ xuất nhập cảnh

Sau khi đọc bài này, các bạn hãy cảnh giác và thật tỉnh táo để không là nạn nhân của những vụ làm giả giấy tờ xin visa (dịch vụ visa)

 

Thời gian gần đây, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TP HCM liên tiếp triệt phá nhiều đường dây làm thủ tục, hồ sơ giả để xin cấp visa đi nước ngoài cực lớn, trong đó có Mỹ, một trong những nước rất khắt khe về thủ tục xuất nhập cảnh.Đường dây làm visa giả sang Mỹ chỉ với 700 USDTheo thông tin từ Cơ quan điều tra (CQĐT), từ cuối năm 2013 trở lại đây, thông tin về đường dây chuyên “can thiệp” để được cấp visa đi Mỹ với giá rất “hấp dẫn”, chỉ từ 200-700USD/trường hợp tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng người. Từ trước đến nay, phỏng vấn để được cấp visa đi Mỹ vốn rất khắt khe vì vậy mà thông tin này nhanh chóng lan truyền khắp nơi trong cả nước.Trên thực tế đã có nhiều người phỏng vấn thành công mặc dù họ thuộc diện không đủ điều kiện. Qua dò la thông tin, những người đã đi trót lọt thì bảo cứ đến trước cổng Tổng lãnh sự quán Mỹ trên đường Lê Duẩn, quận 1 tìm mấy tay cò môi giới là ra. 

Từ những thông tin trên, Phòng PC45 đã báo cáo Ban giám đốc Công an TP HCM để xác lập chuyên án đấu tranh và giao cho Đội 4 làm chủ công khám phá án. Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, các trinh sát Đội 4 phát hiện xung quanh Tổng lãnh sự quán Mỹ có khoảng 30 tay cò môi giới hoạt động trên đường Lê Duẩn và Lê Văn Hưu (quận 1).

Những ai có việc đến Tổng lãnh sự quán Mỹ làm thủ tục đều bị đám cò này bủa vây, chèo kéo với cam đoan chắc chắn sẽ được cấp visa đi Mỹ. Vì vậy, nhiều người có trục trặc về hồ sơ hay tâm lý e ngại “rớt từ vòng loại” đã nhờ cò giúp đỡ. Qua thâm nhập giới cò mồi khu vực này, các trinh sát xác định Võ Xuân Dần, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM là thuộc hạng có “máu mặt” nhất.

 Đến đầu tháng 3/2014, nắm được nguồn tin Dần đang làm giả hồ sơ xin cấp visa cho 4 người là Nguyễn Lập (33 tuổi), Trần Danh Thắng (37 tuổi), Vũ Thị Trinh (32 tuổi; cùng quê quán Nghệ An) và Trần Văn Dũng (33 tuổi; quê quán Hà Tĩnh) nên các trinh sát tổ chức theo dõi.

Khoảng 11h45 ngày 18/3, khi Dần cùng những người nói trên tập trung trước cổng Tổng lãnh sự quán Mỹ thì bị các trinh sát tiến hành kiểm tra, tạm giữ: 5 hộ chiếu (của 4 người nói trên và 1 của Dần), 2 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả cùng nhiều giấy tờ và con dấu giả.

Tại Cơ quan Công an, Dần khai, cuối năm 2013  đầu 2014, do có nhu cầu đi Mỹ tham quan, du lịch nên Nguyễn Lập, Trần Danh Thắng, Vũ Thị Trinh  và Trần Văn Dũng nhờ Dần làm giả hồ sơ, thủ tục xin phỏng vấn. Theo thỏa thuận, nếu được cấp visa (phỏng vấn đạt) thì Dần sẽ lấy 700 USD/ 1 hồ sơ, còn nếu phỏng vấn không đạt thì Dần chỉ lấy 200 USD phí dịch vụ.

Theo yêu cầu của Dần, những người này chỉ cần cung cấp cho Dần hộ chiếu, lý lịch có xác nhận của địa phương và 5 tấm ảnh còn các giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thư mời dự triển lãm ở Mỹ và giấy visa thị thực của lãnh sự quán các nước khác thì Dần tự lo. Dần khai, toàn bộ giấy tờ này Dần thuê một người tên Thịnh làm giả với giá 200 USD/ bộ.

Từ lời khai của Dần, Cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ Nguyễn Hoàng Thịnh (61 tuổi; ngụ xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP HCM, có 3 tiền án về tội làm giả hồ sơ của cơ quan, tổ chức), Giám đốc Công ty Văn Trường có trụ sở nằm trên đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình.

Khám xét công ty của Thịnh, các trinh sát hết sức bất ngờ khi thu giữ rất nhiều tài liệu lưu trữ để làm giả giấy tờ. Trong đó có 19 đĩa vi tính lưu tài liệu để làm giả giấy tờ, gồm: 3 mẫu thị thực visa và con dấu dành cho các nước khối EU; khung visa các nước, mẫu visa các nước châu Á; 2 đĩa lưu mẫu phôi các loại sổ tiết kiệm, thẻ tiết kiệm, logo của nhiều ngân hàng; 1 đĩa lưu mẫu các con dấu mộc tròn của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; 2 đĩa lưu mẫu phôi CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh, lý lịch tư pháp…

Ngoài ra còn có 13 bản nhựa in mẫu dấu xác nhận xuất nhập cảnh của hải quan các nước; 1 ổ cứng di động lưu mẫu phôi các loại giấy tờ như hồ sơ dự thầu, hồ sơ xin dự án, bằng lái xe các nước…

Tại CQĐT, Thịnh khai, khi khách hàng có nhu cầu đặt hàng thì Thịnh dùng máy vi tính, máy scan và máy in để làm giả các loại giấy tờ. Đồng thời tạo ra các giấy chứng thực visa, mẫu dấu xác nhận xuất nhập cảnh vào các nước để dán vào passport của khách hàng nhằm tạo sự tin tưởng từ phía Tổng lãnh sự quán Mỹ. Tổng cộng, tính đến ngày bị bắt, Thịnh đã được Dần “đặt hàng” làm 200 bộ hồ sơ, trong số này đã có người đi Mỹ trót lọt.

Theo CQĐT, với số lượng tài liệu, giấy tờ giả đó có khả năng Thịnh còn cung cấp cho nhiều đầu mối khác ở khắp các tỉnh, thành chứ không riêng gì ở TP HCM và Võ Văn Dần chỉ là một trong số đó. Vì vậy, Công an TP HCM vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và củng cố hồ sơ để có thể xử lý hình sự các đối tượng môi giới khác.

Trong vụ án này, ngoài việc bắt giữ Dần và Thịnh, được biết Cơ quan Công an đã lập hồ sơ và xử lý theo pháp luật 26 đối tượng khác làm môi giới trước cổng Tổng lãnh sự quán Mỹ.

Đến đường dây xuất nhập cảnh sang các nước

Sau khi đường dây làm visa giả sang Mỹ bị triệt phá, lần theo thông tin ban đầu từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (đường Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1) về một công dân… Công an TP HCM tiếp tục triệt phá một đường dây xuất nhập cảnh trái phép với quy mô lớn hơn.

Theo đó, đầu năm 2014, trong lúc làm hộ chiếu cho chị Nguyễn Thúy Diệu, Phòng QLXNC, Công an TP HCM phát hiện có một người cũng mang tên Nguyễn Thúy Diệu, có cùng ngày tháng năm sinh và quê quán như trên nhưng đang ở Malaysia. Qua làm việc, chị Diệu cho biết, chị chưa từng xuất cảnh lần nào nhưng trước đó chị có đánh rơi CMND.

Nhận được thông tin, PC45 Công an TP HCM tổ chức theo dõi. Đến cuối tháng 3/2014, khi đối tượng Nguyễn Thị Diệu (giả) vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì bị các trinh sát Đội 4, Phòng PC45 mời về trụ sở công an làm việc.

Tại Cơ quan Công an, đối tượng khai tên thật là Huỳnh Thị Lệ Hằng (SN 1987, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), từng xuất cảnh nhiều lần sang Malaysia để làm tiếp viên trong các nhà hàng, tụ điểm massage… Bị cơ quan chức năng ở Malaysia nhiều lần phát hiện nên Hằng bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh sang Malaysia. Vì vậy, Hằng nảy sinh ý định sẽ làm giấy tờ giả để tiếp tục sang Malaysia kiếm tiền.

Để thực hiện ý định, tháng 4/2012 Hằng lân la tìm đến khu vực trước Phòng QLXNC để tìm cò giúp. Tại đây, Hằng gặp một người đàn ông tự xưng là “cò” giấy tờ có thể làm bất cứ giấy tờ giả nào theo yêu cầu của người đặt hàng. Sau khi nghe Hằng trình bày, người này ra giá 500 USD/ cho một hộ chiếu giả. Để đảm bảo giao dịch, người này yêu cầu Hằng đưa trước 200 USD, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi Hằng nhận được hộ chiếu.

Chỉ vài tuần sau, Hằng được đối tượng trên đưa cho một CMND mang tên Nguyễn Thúy Diệu, sau đó hướng dẫn Hằng làm các bước thủ tục tiếp theo. Khoảng 10 ngày sau thì Hằng nhận được hộ chiếu và giao hết số tiền còn lại cho người đàn ông này. Nhờ hộ chiếu với tên giả, Hằng đã nhiều lần qua lại Malaysia cho đến khi bị bắt giữ.

Từ lời khai và mô tả đặc điểm nhận dạng của Hằng, các trinh sát xác định đối tượng này chính là Đỗ Hữu Công  (52 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Công còn có biệt danh là Công “đen”, có hai tiền án về tội cướp giật tài sản. Lập tức tên này được mời về CQĐT để làm rõ.

Tại Cơ quan Công an, Công thừa nhận đã làm hồ sơ giả cho Huỳnh Thị Lệ Hằng. Ngoài ra Công còn làm hồ sơ giả cho rất nhiều trường hợp. Về CMND mang tên Nguyễn Thúy Diệu, Công khai trước đó mua của một đối tượng không rõ lai lịch với giá 300 USD. Sau đó, Công bóc bỏ ảnh cũ rồi dán ảnh của Hằng vào và ép nhựa lại thế là hoàn tất công đoạn quan trọng nhất. Sau đó, y tiếp tục  thuê người làm giả một số giấy tờ khác cho trùng khớp rồi mang đi nộp  xin cấp hộ chiếu như người bình thường…

Qua đấu tranh khai thác, Công khai, toàn bộ số giấy tờ giả y đặt hàng từ đường dây làm giả giấy tờ cực lớn do Đỗ Hữu Thọ (39 tuổi; quê quán Long Thành, Đồng Nai), Trương Thị Bích Thủy (49 tuổi; quê quán Châu Thành, Tiền Giang; tạm trú phường 2, quận Bình Thạnh) và Phùng Quốc Thái (36 tuổi, ngụ phường 5, quận 5) thực hiện (đã bị bắt  trước đó).

Trong số đó, Phùng Quốc Thái là đối tượng chuyên làm “cò” trước Phòng QLXNC và nhận làm giấy tờ giả để làm thủ thục xuất nhập cảnh cho nhiều người, trong đó có nhiều giám đốc, quản lý nhà hàng trên địa bàn TP HCM. Những người này thường xuyên nhờ Thái làm giấy khám sức khỏe, giấy xét nghiệm máu, CMND giả cho các nhân viên nhà hàng nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra.

Theo điều tra, sau khi nhận “hợp đồng”, Thái đặt hàng lại Trương Thị Bích Thủy để giúp mình. Từ đây, đối với các loại giấy tờ đơn giản như giấy khám sức khỏe, phiếu xét nghiệm…thì Thủy tìm đến chợ Kim Biên (quận 5) mua các dấu mộc tròn, dấu vuông, dấu tên bác sĩ của một đối tượng khác rồi mang về nơi tạm trú và tự làm giả.

Vào thời điểm bị bắt, khám xét nhà Thủy, Cơ quan Công an thu giữ đến 1.500 phiếu xét nghiệm máu của Bệnh viện Bình Thạnh, 200 sổ khám sức khỏe và 150 sổ học bạ mà đối tượng này chưa kịp giao cho khách hàng. Riêng về các giấy tờ là CMND, bằng cấp, chứng chỉ nghề Thủy không làm được mà mua lại của Đỗ Hữu Thọ, kẻ từng có tiền án 4 năm tù về tội làm giả giấy tờ.

Cuối năm 2011, sau khi ra tù không được bao lâu Thọ quyết định quay lại “nghề cũ”. Vì tuổi nghề lâu năm nên Thọ “cao tay” hơn các đối tượng làm giả giấy tờ khác là y có thể tự khắc mộc để đóng dấu trực tiếp vào giấy tờ giả nên làm rất nhanh và trông như thật. Khám xét nơi ở của Đỗ Hữu Thọ, Cơ quan Công an thu giữ gần 250 dấu mộc tròn giả gồm: 29 dấu mộc tròn của công an các tỉnh, thành phố; 113 dấu mộc tròn của UBND các xã, phường khắp nơi trong cả nước; 16 mộc tròn của Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành….

Liên quan đến đường dây này, 11 đối tượng chuyên môi giới làm giấy tờ xuất nhập cảnh cũng đã bị Công an phường Bến Thành, quận 1 xử lý hành chính.

  M.Hải – A.Huy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *