(Chinhphu.vn) – Với một thị trường tương đồng văn hóa, tôn giáo, có nhiều thiện cảm với Việt Nam, đông về số lượng, lại rất chịu chi như Ấn Độ, thì tương lai du lịch inbound Ấn Độ hứa hẹn một sự bùng nổ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải làm rất nhiều việc mới với được “trái ngọt” này.
> Giấy phép lao động > Gia hạn giấy phép lao động > Thủ tục cấp giấy phép lao động
Hợp tác du lịch Việt Nam-Ấn Độ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh trong thời gian tới |
Những lợi thế không thể phủ nhận
“Ấn Độ là thị trường du lịch đầy tiềm năng. Trên trang web của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Ấn Độ là thị trường khách du lịch đi nước ngoài lớn nhất, chứ không phải Trung Quốc. 1,2 tỷ dân với cơ cấu dân số trẻ, người Ấn Độ chúng tôi đi du lịch khắp nơi”, đại diện Hiệp hội lữ hành Ấn Độ đã chia sẻ như vậy với lữ hành, nhà quản lý, đại diện hiệp hội du lịch của Việt Nam.
Một đại diện du lịch của Ấn Độ cho biết, khách Ấn Độ ở phân khúc cao cấp chỉ ở những khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 5 sao trở lên, nhất là khách du lịch Mice. Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, khách du lịch Ấn Độ rất chịu chi và có khả năng chi trả cao.
Còn ông Hardik Shar, giám đốc một lữ hành lớn của Ấn Độ cho biết: “Người Ấn Độ chúng tôi rất thích mua sắm. Không chỉ ở những trung tâm thương mại lớn, mà cả những khu chợ đêm, và cũng như mọi khách du lịch khác, chúng tôi rất hứng thú với các sản phẩm thủ công truyền thống, đồ lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Việt Nam”.
Người Ấn Độ đi du lịch đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương chi tiêu khoảng 13,3 tỷ USD hằng năm. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 91 tỷ USD Mỹ vào năm 2030, đưa du khách Ấn Độ trở thành một trong những đối tượng chi tiêu nhiều nhất, sau Trung Quốc, trên thị trường du lịch thế giới.
Tuy nhiên, lượng du khách Ấn Độ tới Việt Nam mới dừng ở 10.000 người. Hiện nay mới có 15 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Dự kiến, tới đây con số này sẽ là 50 triệu. Nhiều năm nay, người Ấn Độ đến Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia rất nhiều. Và điểm mạnh của Việt Nam với các quốc gia trên là sự tươi mới.
Đặc biệt, sau chuyến khảo sát một số tuyến điểm du lịch của Việt Nam vừa qua, tất cả các thanh viên của đoàn Fam Ấn Độ đều rất ấn tượng với Vịnh Hạ Long.
“Chúng tôi cảm ơn các bạn đã đưa đoàn Fam doanh nghiệp, báo chí Ấn Độ đến nhiều địa điểm rất đẹp ở Việt Nam. Và khi đến thăm các ngôi đền Khmer, tháp Chàm, tôi nhìn thấy tiềm năng du lịch lớn của Việt Nam với Ấn Độ. Ngoài ra, còn nhiều địa điểm tuyệt vời khác như Vịnh Hạ Long. Tôi tin rằng Vịnh Hạ Long sẽ mang đến nhiều trải nghiệm cho khách du lịch”, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Ấn Độ chia sẻ.
Còn Mombay – đại diện cho một lữ hành khác, thì chia sẻ anh rất ấn tượng cuộc sống ban đêm ở TPHCM và hành trình Hà Nội-Hạ Long. Anh tin rằng các dịch vụ, chợ đêm ở TPHCM sẽ rất hấp dẫn khách Ấn Độ.
Ảnh minh họa |
Đường bay thẳng, nhà hàng Ấn Độ và chính sách visa
Thị trường khách Ấn Độ rất tiềm năng, nhưng làm thế nào để đón khách Ấn Độ một cách tốt nhất thì không đơn giản. Đó là nhận định chung của lữ hành Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam đều nhấn mạnh vai trò của các hãng hàng không trong việc mở các đường bay trực tiếp từ các thành phố của Ấn Độ (Bombay, Bangalore, Bodh Gaya, Delhi…) tới các trung tâm du lịch của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM. Vì kế hoạch bay sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch thông qua các đường bay, phải nắm được kế hoạch bay lữ hành mới có kế hoạch cụ thể để phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm.
Lạc Việt là lữ hành đã có mặt ở Ấn Độ 4 năm nay. Mỗi năm lữ hành này đưa 1.000 khách tới Ấn Độ. Đại diện Lạc Việt cho biết: “Vấn đề là visa, đồ ăn, uống, đường bay… rất quan trọng. Từ Bombay, Delhi, Bangalore muốn tới Việt Nam vẫn phải bay qua Bangkok, rồi lại phải qua TPHCM mới đến được Hà Nội với một mức giá vé quá đắt (ngang bằng bay tới châu Âu). Chúng ta muốn đưa khách tới Hạ Long mà không có đường bay thẳng thì khách Ấn Độ sẽ đến châu Âu thay vì chọn Việt Nam”.
Còn theo đại diện của Vietnam Travel Mart, một trong những công ty tổ chức các đường bay từ Việt Nam đi các nước, trong đó có Ấn Độ, đề xuất cần nhanh chóng có những chính sách tốt nhất trong việc thông thương giữa hai quốc gia. “Việt Nam-Ấn Độ chưa có đường bay trực tiếp. Thị trường Ấn Độ-Việt Nam có tính chất mùa vụ cao, việc sử dụng các đường bay theo mùa là cơ bản. Khi sử dụng các đường bay như vậy gặp khó khăn, vì thời gian cấp phép khá lâu, nếu ở Việt Nam từ 2-3 ngày thì Ấn Độ mất từ 7-10 ngày. Như vậy, chi phí khai thác sẽ bị đội lên rất cao khiến cho khả năng thúc đẩy thị trường hai bên khó khăn nhiều”.
Trăn trở, lo lắng chung của lữ hành Việt Nam là hiện nay cơ sở vật chất phục vụ khách Ấn Độ còn rất yếu và thiếu.
“Làm thế nào để khách Ấn Độ đến Việt Nam mà cảm thấy thực sự sung sướng. Khách Ấn Độ ăn uống hoàn toàn khác với thị trường khách khác, họ ăn chay, ưa chuộng nhiều rau củ quả nhưng không ăn tỏi… Các nhà hàng khách sạn Việt Nam phải phục vụ theo hương vị người Ấn Độ mới mong thu hút được họ”, bà Vân Anh, Tổng Giám đốc lữ hành Hà Nội Redtours nhận xét.
Ở Việt Nam hiện nay có một cộng đồng nhỏ người Ấn Độ sinh sống tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Do đó, chúng ta mới chỉ có một số nhà hàng Ấn phục vụ cho cộng đồng này. Còn một điểm du lịch tiềm năng được đánh giá sẽ thu hút rất đông khách Ấn Độ như Hạ Long vẫn chưa có. Tàu trên Vịnh dù ban đêm hay ngày đều không thể phục vụ đồ ăn Ấn Độ.
“Ẩm thực Việt Nam rất ngon, nhưng chúng tôi vẫn muốn có nhiều nhà hàng Ấn Độ hơn để chúng tôi có thể cảm thấy như ở nhà. Người Ấn Độ ăn kiêng, không ăn một số thực phẩm như thịt bò, lợn và không ăn tỏi. Tôi nghĩ là những nhà cung cấp dịch vụ ẩm thực, khách sạn Việt Nam cần chú ý tới điều này”, ông Hardik Shar chia sẻ.
Một vướng mắc khác mà lữ hành 2 nước quan tâm là câu chuyện visa. Phí visa của Việt Nam còn cao, thủ tục rườm rà là trở ngại không nhỏ đối với thị trường này. Bà Neha Bassan, lữ hành TUI India cho biết: “Nếu các bạn muốn thu hút đông khách Ấn Độ đến Việt Nam thì chuyện bỏ visa cho khách Ấn Độ là điều cần tính đến”.
Bên cạnh đó, có một thực tế là Ấn Độ còn biết quá ít về Việt Nam. Bà Vân Anh khẳng định, “Việt Nam chưa có hoạt động truyền thông marketing thực sự mạnh tới thị trường này. Khi tham gia các roadshow tại đây, Hà Nội Redtours đã rất trăn trở vì hình ảnh du lịch Việt chưa được quảng bá rộng rãi tới Ấn Độ. Các roadshow chủ yếu mới chú trọng B to B (buyer to buyer – người bán tới người bán là doanh nghiệp lữ hành), chưa quan tâm tới B to C (buyer to customer – người bán tới người mua là người đi du lịch). Riêng với thị trường Ấn Độ, Việt Nam chúng ta so với du lịch Malaysia, Thái Lan, Singapore hoàn toàn hấp dẫn hơn, vì họ đã đến các quốc gia ấy quá nhiều trước đó. Chúng tôi mong Tổng cục Du lịch có các hoạt động cụ thể hơn để truyền thông quảng bá rộng rãi tới Ấn Độ, đặc biệt là B to C”, bà Vân Anh nói.
Như vậy, qua chia sẻ của lữ hành Việt Nam-Ấn Độ, có thể thấy để thúc đẩy du lịch hai nước phát triển, còn rất nhiều việc phải làm.
Nguyệt Hà
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt Sưu tầm – xem thêm Vietnam work permit – Vietnam visa renewal