Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được miễn thị thực nhập cảnh nếu có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài  còn giá trị ít nhất 06 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Dưới đây là thành phần hồ sơ cần chuẩn bị khi xin cấp giấy miễn thị thực 5 năm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Úc.

Xin cấp giấy miễn thị thực 5 năm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Úc

Đối tượng được xin cấp giấy miễn thị thực

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài
– Người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Hồ sơ xin cấp Giấy miễn thị thực cho người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam

– 01 Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực theo mẫu N19. Có thể khai trực tuyến: http://mienthithucvk.mofa.gov.vn hoặc http://lanhsuvietnam.gov.vn, sau đó in ra và ký và dán ảnh vào tờ khai đã hoàn thiện; hoặc khai, ký và dán ảnh theo tờ khai mẫu được tải từ mạng xuống.

– 02 ảnh mới chụp cỡ 4×6 cm (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời hoặc đính kèm vào tờ khai);

– Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của nước ngoài còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh (kèm theo bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ).

– Giấy tờ chứng minh quan hệ vợ, chồng, con với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam (kèm theo bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ) gồm:

+ Giấy đăng ký kết hôn, kèm giấy tờ chứng minh người vợ/chồng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

+ Giấy khai sinh, kèm giấy tờ chứng minh bố/mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

+ Giấy xác nhận quan hệ cha, mẹ, con, kèm giấy tờ chứng minh người có quan hệ cha/mẹ/con đó là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

+ Các giấy tờ có giá trị khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hồ sơ xin cấp giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

– 01 Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực theo mẫu N19. Có thể khai trực tuyến: http://mienthithucvk.mofa.gov.vn hoặc http://lanhsuvietnam.gov.vn, sau đó in ra và ký và dán ảnh vào tờ khai đã hoàn thiện; hoặc khai, ký và dán ảnh theo tờ khai mẫu được tải từ mạng xuống.

– 02 ảnh mới chụp cỡ 4×6 cm (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời hoặc đính kèm vào tờ khai);

– Hộ chiếu nước ngoài hoặc nếu chưa được cấp hộ chiếu nước ngoài thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (kèm theo bản sao để lưu hồ sơ);

– Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cụ thể như sau:

+ Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;

+ Bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam;

+ Hộ chiếu Việt Nam (hết giá trị sử dụng); Sổ hộ khẩu; Giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước); Giấy khai sinh; Thẻ cử tri mới nhất.

+ Giấy tờ chính thức do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam.

+ Các loại giấy tờ dùng để suy đoán về quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam (khái niệm này được sử dụng trong một số hiệp định, thỏa thuận song phương về nhập cư mà Việt Nam đã ký với các nước) cũng được xem là giấy tờ tham khảo để xét cấp Giấy miễn thị thực. Cụ thể, đây là những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (kể cả các giấy tờ do các chế độ cũ) cấp và đã hết giá trị sử dụng, ví dụ như giấy chứng nhận kết hôn, hộ chiếu cũ (ở miền Nam trước năm 1975 gọi là Sổ thông hành, Chiếu kháng), giấy chứng minh nhân dân hết giá trị, thẻ căn cước do chế độ cũ cấp, trích lục Bộ giấy khai sinh… Những giấy tờ này được dùng vào mục đích suy đoán đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam. Việc suy đoán này có giá trị cho đến khi nào có bằng chứng pháp lý chứng minh ngược lại đương sự không phải là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam.

+ Trường hợp không có các giấy tờ trên thì đương sự có thể xuất trình giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc của công dân Việt Nam bảo đảm đương sự người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

– Giấy bảo lãnh về bản chất là một loại giấy tờ mà đương sự “có thể” nộp và để được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì nội dung giấy bảo lãnh phải “bảo đảm” được đương sự đúng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Giấy bảo lãnh không cần phải chứng thực hoặc xác nhận thêm, nhưng chỉ có giá trị khi người bảo lãnh ký trực tiếp và kèm theo bản chụp hộ chiếu và giấy chứng minh nhân dân của người bảo lãnh còn giá trị sử dụng. Cơ quan đại diện hoàn toàn có quyền không chấp nhận giấy bảo lãnh này nếu biết chắc chắn đương sự có một trong những loại giấy tờ dùng để chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc có quyền kiểm tra lại tính xác thực của nội dung ghi trong giấy bảo lãnh. Trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện đương sự có dấu hiệu sử dụng giấy bảo lãnh để lách quy định, cơ quan đại diện có quyền không chấp nhận giấy bảo lãnh và đề nghị đương sự xuất trình giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là “người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam”.

– Công dân Việt Nam có thể bảo lãnh là người Việt Nam có hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân Việt Nam còn giá trị, không phân biệt nơi cư trú (trong hay ngoài nước) và quan hệ với đương sự. Giấy bảo lãnh này chỉ có giá trị khi công dân Việt Nam bảo lãnh ký trực tiếp vào giấy bảo lãnh và có đính kèm bản chụp hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân Việt Nam còn giá trị.

– Hội đoàn của người Việt Nam có thể bảo lãnh là bất kỳ tổ chức, hội, hiệp hội được thành theo quy định pháp luật của nước nơi đương sự cư trú (không phân biệt tên gọi, hình thức tổ chức, tính chất hoạt động). Tuy nhiên, đối với những hội đoàn hoặc cá nhân có những biểu hiện phức tạp (ví dụ là đối tượng tham gia các tổ chức phản động; suy tôn cờ vàng 3 sọc, hoạt động chống đối Đảng và Nhà nước…), Cơ quan đại diện cần chủ động khéo léo giải thích để đương sự tìm bảo lãnh của cá nhân, tốt nhất là xuất trình giấy bảo lãnh của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Địa chỉ nộp hồ sơ xin cấp giấy miễn thị thực?

Địa chỉ: Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Úc (Level 8, 16 St Georges Terrace, Perth, WA 6000)

Địa chỉ gửi thư: PO Box 3122 East Perth WA 6892

Giờ làm việc: Thứ Hai – Thứ Sáu

+ Sáng:  09.00 – 12.30
+ Chiều: 13.30 – 17.00

Điện thoại: 08-92211158 / 93253642 / 93253645
Di động: 0470 111 668
Email: vnconsulate.perth@gmail.com